Ðó là lý do chính để Công ty CP Bình Ðịnh F1 quyết định tài trợ và phối hợp cùng UBND tỉnh đăng cai tổ chức Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và giải mô tô nước UIM-ABP AQUABIKE (Grand Prix Bình Ðịnh 2024) vào tháng 3 năm nay. Chủ tịch HÐQT Công ty Bình Ðịnh F1 Trần Việt Anh đã chia sẻ cùng Báo Bình Ðịnh về điều này.
● Với tư cách là đơn vị tài trợ cho Đội đua thuyền máy F1H2O Bình Định – Việt Nam để đại diện Việt Nam tham dự những giải đấu quốc tế, ông có thể “bật mí” về hành trình thành lập đội đua?
Chúng tôi cùng đoàn công tác UBND tỉnh sang Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất để học hỏi cách thức tổ chức giải đua Aquabike và đua thuyền máy công thức 1 F1H2O, vô tình biết thông tin có một đội đua (Thụy Điển – Vô địch giải đấu UIM F1H2O 2023 – PV) đang có ý định chuyển nhượng. Chúng tôi nghĩ đây là cơ duyên hiếm gặp nên đã tiếp cận và đàm phán với đơn vị này.
Ngoài Việt Nam, Indonesia cũng mong muốn có một đội đua đại diện Indonesia thi đấu bởi họ cũng đang tổ chức chặng đua giống như Việt Nam. Với sự chỉ đạo, ủng hộ quyết liệt của UBND tỉnh, chúng tôi giành lợi thế lớn.
Nói như vậy là vì khi đàm phán, chúng tôi muốn tổ chức làm sao để đạt được thành công trọn vẹn. Với những quyết tâm cao, cộng vào đó là những nền tảng vững vàng mà chúng ta có, phía đối tác dần có niềm tin, việc thương thảo diễn ra thuận lợi và trong vòng 1 tháng cả hai bên đi đến quyết định hợp tác.
Trên thế giới, đua thuyền máy nhà nghề F1 rất phổ biến và nổi tiếng, nhưng ở Việt Nam lại khá mới mẻ. Vậy điều gì thuyết phục Công ty tài trợ Đội thuyền máy F1H2O Bình Định – Việt Nam, và phối hợp với tỉnh đăng cai tổ chức giải vô địch thế giới sắp tới?
– Đây là môn thể thao khá kén chọn khán giả, bởi đối tượng quan tâm phần lớn là những người khá giả. Ở châu Á, đua thuyền máy nhà nghề F1 đã được tổ chức tại Trung Quốc, Indonesia, Singapore… Với chúng tôi, có 3 lý do để theo đuổi bộ môn này và đưa nó về Việt Nam. Đầu tiên, Việt Nam là đất nước yêu thể thao, vì thế, chúng tôi càng muốn đưa môn thể thao này về Việt Nam và mong muốn được phổ biến rộng rãi tới khán giả Việt. Thứ hai, thông qua sự kiện thể thao, thông qua những đội đua đại diện cho đất nước, có thể quảng bá rộng rãi hình ảnh con người, Việt Nam tới bạn bè thế giới một cách nhanh nhất. Giải đua này được tổ chức ở 8 – 10 nước trên thế giới, khi đó hình ảnh lá cờ Việt Nam được tung bay ở những nước này.
Thứ ba, chúng tôi thấy bộ môn thể thao này có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt là tốc độ, thử thách. Các bộ môn đua trên cạn có nhiều thử thách, ở dưới nước thử thách đó càng lớn hơn. Đây là điều thu hút chúng tôi để trải nghiệm khi theo dõi.
Ngoài giải đua thuyền máy và giải mô tô nước, thời gian tới, chúng tôi đưa thêm một số môn thể thao dưới nước khác về để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
● Từ nay đến ngày diễn ra giải đấu không còn nhiều, hiện giờ công tác chuẩn bị đến đâu rồi, thưa ông?
– Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Đua thuyền máy thế giới để tổ chức F1H2O Racing, đến nay, cơ bản hạ tầng đã xong. Hậu cần đối tác cũng đã gửi hàng chục container đến Bình Định. Đó là các công tác liên quan đến “phần cứng”; về “phần mềm”, chúng tôi đang tích cực phối hợp với UBND tỉnh để tổ chức Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 một cách thành công nhất.
Chúng ta có 2 giải là UIM F1H2O và UIM ABP Aquabike, điều kiện tổ chức ở đầm Thị Nại không gặp khó khăn gì lớn cho giải jetski (mô tô nước). Tuy nhiên, giải đua thuyền máy phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết, yêu cầu kỹ thuật rất cao vì tốc độ đua lên tới 260 km/giờ, đòi hỏi mực nước đủ độ sâu, sức gió… nên tùy vào điều kiện thực tế ban tổ chức sẽ cân nhắc, tính toán.
● Về lâu dài ông có tính đến kế hoạch xây dựng một đội đua 100% người Việt Nam?
– Ở bộ môn này, chúng ta chưa có đủ điều kiện tham dự, bởi đến nay ta chưa có VĐV nào được cấp chứng chỉ quốc tế, chưa có kinh nghiệm sửa chữa máy móc thuyền máy công thức 1. Nhân sự chúng tôi sử dụng hầu như là người nước ngoài vì họ có sẵn trình độ, kinh nghiệm.
Sang năm thứ 2, với sự hỗ trợ từ Liên đoàn Đua thuyền máy thế giới, chúng tôi sẽ hợp tác mở viện đào tạo trong nước, qua đó, các VĐV Việt Nam đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ để tham gia đua. Chúng tôi đã bàn bạc với đối tác, từ năm sau, VĐV đội đua có thể là người Việt Nam. Điều đó là có cơ sở, vì Việt Nam luôn có nguồn lao động chất lượng cao về kỹ thuật, công nghệ…
● Về chương trình truyền hình thực tế “Tỏa sóng đam mê AQUABIKE”, hẳn ông có rất nhiều điều muốn chuyển tải đến người hâm mộ Việt Nam?
– Đây là show truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về bộ môn thể thao thi đấu trên mặt nước, được phát sóng lúc 20 giờ 30 phút thứ Hai hằng tuần trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19.2. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn có thể quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Chúng tôi xác định đây là mùa đầu tiên, và sẽ xây dựng cho các mùa tiếp theo, có thể mời các VĐV quốc tế tham gia. Đua mô tô nước là loại hình thể thao chưa được phổ biến rộng rãi về thể lệ, hình thức đua, nên chúng tôi muốn qua chương trình, người dân Việt Nam có thể biết nhiều hơn nữa về bộ môn còn mới mẻ này.
● Xin cám ơn ông!