Việt Nam – Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế

Việt Nam là quốc gia có vị trí biển thuận lợi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với đường bờ biển kéo dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng khắp thế giới, thu hút du khách. Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chúng ta có tiềm năng rất lớn để khai thác các hoạt động thể thao, giải trí trên biển như du thuyền, đua thuyền buồm, lặn biển, ván đứng…

Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội định vị mình trở thành “Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế”. Vấn đề là, chúng ta có đang định vị như vậy không và nếu có thì chiến lược nào khả thi để có thể biến những ước mơ thành hiện thực, đem lại doanh thu về cho đất nước cũng như quảng bá một Việt Nam tươi đẹp, năng động trong mắt bạn bè quốc tế? 

Để làm rõ nội dung này, báo VietNamNet tổ chức chương trình Bàn tròn với chủ đề Liên kết các bên để định vị “Việt Nam – Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế”.

Tham dự chương trình gồm ba vị khách mời:

– Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

– Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bình Định F1

  • Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Ana Marina Nha Trang

Mời bạn đọc theo dõi Phần 1: Du lịch biển Việt Nam: Dịch vụ chỉ mới đến mép nước, khai thác bề nổi

Selected Media

Nhà báo Linh Trang: Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó khẳng định: Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thể thao, giải trí biển, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Hà Văn Siêu, tới thời điểm hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào trong phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch thể thao, giải trí biển?

Ông Hà Văn Siêu: Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam có thế mạnh rất lớn về du lịch biển.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định, du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển… là một trong những trụ cột trọng tâm của ngành du lịch nước ta. 

Theo tôi đánh giá, cho tới nay, chúng ta đã khai thác tương đối tốt. Số liệu thống kê cho thấy, trong cấu trúc ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60-70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập du lịch.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, hoạt động du lịch biển của chúng ta vẫn đang tập trung khai thác bề nổi là chính, như nghỉ dưỡng biển, các hoạt động trên bờ biển. Các hoạt động về chiều sâu, đặc biệt là thể thao biển, dư địa còn rất lớn, chúng ta khai thác chưa nhiều. 

Và đây là một nội dung mà chúng ta đang và rất cần đặt mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới để khai thác hơn nữa tiềm năng của biển, tăng trải nghiệm cho du khách, đưa hoạt động du lịch biển đi vào chiều sâu.

Selected Media

Nhà báo Linh Trang: Theo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để một quốc gia có thể định vị thương hiệu “quốc gia du lịch biển” cần 3 nền tảng chính: Điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch biển và các sản phẩm du lịch thể thao, giải trí biển có chất lượng. Theo ba khách mời, Việt Nam đáp ứng được những nền tảng nào và khó khăn, hạn chế ở đâu?

Ông Hà Văn Siêu: Có thể khẳng định, Việt Nam có tiềm năng, có lợi thế về điều kiện tự nhiên, từ vị trí, vẻ đẹp bờ biển, khí hậu biển và người dân chăm chỉ, nhiều ý tưởng sáng tạo, giàu khát vọng. 

Đây là tiềm năng tốt để phát triển mạnh du lịch biển, trong đó có việc phát triển các hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao trên biển. 

Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu về cơ sở hạ tầng lẫn các sản phẩm giải trí, thể thao trên biển chất lượng. Tôi cho rằng, tại Việt Nam, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các sản phẩm trên còn thiếu sự kết nối giữa nhà đầu tư, chính quyền địa phương và các bên liên quan. 

Ông Đặng Bảo Hiếu: Theo đánh giá của tôi, chúng ta có tất cả điều kiện tự nhiên, địa lý, thiên nhiên rất phù hợp để phát triển du lịch biển, kinh tế biến.

Tuy nhiên cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển đó còn rất sơ khai. Các sản phẩm du lịch biển rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan, suốt thời gian dài đã qua, khi nhắc tới quốc gia du lịch biển, chúng ta thường nghĩ nhiều 3S: Sea (biển), Sun (ánh mặt trời), Sand (bãi cát). Nhưng đó chỉ là 3 yếu tố ban đầu về tự nhiên. Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận về du lịch biển. Hay khi nói về thể thao biển, đó không chỉ là bơi lội mà chúng ta phải suy nghĩ tới nhiều môn thể thao hơn như lướt ván, ván chèo đứng, thuyền máy, thuyền buồm… 

Nếu lấy Sea làm trung tâm thì chúng ta cần thêm nhiều chữ S khác như Skills (kỹ năng), Spirit (tinh thần biển cả) và Smart (sự tiếp cận thông minh, chuyên nghiệp). Khi đưa du lịch tham gia bất cứ môn thể thao dưới nước nào, doanh nghiệp không chỉ đầu tư trang thiết bị mà phải đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp để kiểm soát toàn bộ rủi ro có thể xảy ra, hỗ trợ y tế, cứu hộ, cứu nạn… Trước nay, các sự kiện thể thao dưới nước của chúng ta thường manh mún, tổ chức tự phát. Chúng ta là quốc gia đi sau trong phát triển du lịch biển thì cần phát huy tính Smart, tức là học hỏi sự chuyên nghiệp từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà tổ chức nước ngoài.

Selected Media

Ông Trần Việt Anh: Quan điểm của tôi cho rằng, du lịch biển của Việt Nam mới chỉ tiếp cận đến “mép nước”, còn các hoạt động trên mặt nước rất hiếm hoi, nghèo nàn. Đúng như ông Siêu nói, chúng ta mới chỉ khai thác bề nổi, hạn chế về cả nền tảng cơ sở hạ tầng và sản phẩm thể thao, giải trí biển. 

Tôi lấy ví dụ về thể thao. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư ở tất cả các cấp độ. Trong đó, các giải đấu phong trào của các môn chạy bộ, ba môn phối hợp… thu hút hàng chục ngàn người tham gia và tạo nên giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy du lịch và tiêu dùng thể thao rất lớn.

Hiệu quả đầu tư kinh doanh thể dục thể thao của nhiều quốc gia rất lớn. Trung Quốc chỉ làm kinh tế thể thao sớm hơn Việt Nam 18 năm nhưng tổng thu từ thể dục thể thao đã chiếm tới 2,3% GDP. Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng thị trường kinh tế thể thao khoảng 300 triệu USD. Đó là một ngành kinh doanh lớn, có dư địa phát triển mạnh tại Việt Nam.

Cũng chính vì lý do đó mà chúng tôi quyết tâm đưa sự kiện thể thao đua thuyền máy công thức 1 về Bình Định.

Khi chúng tôi mang giải đấu lớn trên thế giới này về Bình Định, chúng tôi không đơn thuần tổ chức sự kiện thể thao mà thực hiện chuỗi sự kiện, từ festival ẩm thực, thời trang, văn hóa đến xúc tiến đầu tư… Bởi, chúng tôi xác định, nếu chỉ có biển đẹp là chưa đủ. Đây vốn là giải đấu tổ chức vòng quanh thế giới nên nếu chúng ta không tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt từ chính bản sắc địa phương thì năm sau, họ không quay lại. Khi ấy, doanh nghiệp và chính quyền địa phương thất bại.

Du khách hiện nay họ không đến điểm đến chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên mà họ tìm kiếm trải nghiệm, các hoạt động gắn liền văn hóa bản địa.

Selected Media

GIẢI ĐUA THUYỀN MÁY NHÀ NGHỀ UIM-F1H20

Giải đua thuyền máy Nhà nghề UIM-F1H20 là một trong những giải đua tốc độ và mạo hiểm nhất trên thế giới với các pha điều khiển kỹ thuật đầy kịch tính như vượt qua các khúc cua với tốc độ trên 145km/h và đạt tốc độ tối đa 226 km/h trên những đoạn thẳng. Trong lịch sử đã có tay đua đạt tốc độ kỷ lục thế giới là 261 km/h.

Trong 38 năm từ năm 1984 đến năm 2021, môn thể thao này đã tổ chức 297 giải đua lớn tại 33 quốc gia trên năm châu. Đồng thời, đã có 15 tay đua đã giành được danh hiệu vô địch thế giới, 48 người trở thành thành viên của câu lạc bộ những người chiến thắng Grand Prix danh giá.

Giải đua UIM-ABP Aquabike là một giải đua mới tại Việt Nam, được coi là một trong những giải đua mô tô nước đầy màu sắc và hấp dẫn nhất trên thế giới. Giải bao gồm nhiều loại thể thức và các chặng đua khác nhau, tạo ra những trải nghiệm đua mô tô nước đa dạng, hấp dẫn cho các tay đua và khán giả.

Ông Trần Việt Anh: Khi công ty chúng tôi đưa giải đấu F1 H20 về Bình Định, thay vì gắn tên nhà tài trợ để quảng cáo doanh nghiệp, chúng tôi gắn tên với điểm đến. Mục tiêu là quảng bá Bình Định tới bạn bè quốc tế. Ngược lại, bản quyền sự kiện sẽ được phát miễn phí trong nước để giới thiệu một môn thể thao mới tới người dân Việt Nam.

Thuận lợi của chúng tôi là nhận được sự ủng hộ, chung tay một cách quyết tâm từ chính quyền tỉnh Bình Định. 

Hiện nay, tôi nhận thấy, nhà nước, chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách cởi mở để phát triển du lịch biển. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên không phải chính quyền địa phương nào cũng nhận thức đầy đủ về du lịch biển và người dân thì vẫn còn hạn chế trong nhận thức về làm du lịch. 

Tôi tâm đắc với việc bổ sung các chữ S vào nhận thức về du lịch biển của ông Hiếu. Tôi muốn bổ sung thêm chữ S tiếp theo là Service (dịch vụ). Các dịch vụ của chúng ta trước nay không đa dạng nhưng lại tồn tại tình trạng chặt chém, nhất là dịp lễ, Tết, hay trong các sự kiện lớn. Đó là cách làm du lịch thiếu văn minh, không bền vững. Dù có hình thức xử phạt nhưng đó không phải cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Xử phạt hành chính vài triệu đồng không đủ sức răn đe, bởi một kỳ nghỉ lễ 30/4, họ có thể thu hàng trăm triệu đồng từ việc tăng giá, chặt chém.

Nhà báo Linh Trang: Trước chương trình ngày hôm nay, tôi có một cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, một người lãnh đạo rất tâm huyết và có những thành quả ấn tượng trong xây dựng hình ảnh du lịch Hội An khi đương nhiệm và thậm chí cả bây giờ – khi đã về hưu.

Hội An là địa phương có du lịch biển thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Bãi biển An Bàng nhiều năm liền lọt danh sách bãi biển đẹp nhất thế giới do các hãng thông tấn uy tín bình chọn. Tuy nhiên, ông Sự thừa nhận rằng, du khách tới Hội An mới chủ yếu là tắm biển, ngắm cảnh chứ chưa thực sự có những trải nghiệm du lịch biển đa dạng, hiệu quả nói cách khác là phát triển du lịch biển chưa xứng với tiềm năng.

Liệu đây có phải thực trạng chung của nhiều địa phương tại Việt Nam hay không?

Ông Trần Việt Anh: Theo tôi đây đúng là thực trạng chung tại các địa phương có biển tại Việt Nam. Du khách tới các vùng biển chỉ ăn, ngủ, tắm biển là chính. Một thực tế phải nhìn nhận là các doanh nghiệp đang đầu tư thiên lệch, tập trung quá nhiều cho các dự án bất động sản ven biển như xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn… mà không quan tâm đa dạng hóa các trải nghiệm thu hút du khách đến và quay lại.

Giá trị thặng dư của du lịch đem lại không chỉ ở hoạt động lưu trú, ăn uống. Chi phí cho lưu trú, ăn uống, kể cả khi họ ở khu nghỉ dưỡng đắt đỏ thì cũng không đáng bao nhiêu. Để du khách chi nhiều tiền hơn thì chúng ta phải tăng cường các hoạt động giải trí, thể thao biển thu hút họ.

Đầu tư thiên lệch nên dẫn tới chúng ta cũng ít ỏi các sự kiện giải trí, thể thao chuyên nghiệp. Tôi lấy ví dụ như lễ hội Cá Ông. Nhiều địa phương trên cả nước đều tổ chức lễ hội này, nhưng không nơi đâu khai thác được chuyên nghiệp, bài bản giá trị văn hóa truyền thống lẫn tính truyền thông của lễ hội. Tôi nghĩ, sở dĩ có tình trạng này là bởi doanh nghiệp và chính quyền chưa có sự liên kết. Doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi ích riêng. Bản thân chúng tôi khi mới thành lập cũng chỉ nhìn vào lợi ích của mình. Nhưng sau này, chúng tôi dần có nhiều trách nhiệm hơn với cộng đồng và rất nhiều doanh nghiệp khác cũng hướng tới điều đó. 

Selected Media

Để một sự kiện quy mô diễn ra thành công và hiệu quả, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng người dân phải liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng. Nếu không có sự chung tay từ chính quyền tỉnh Bình Định, tôi thực sự không dám đưa giải đấu đua thuyền máy nhà nghề về tổ chức.

Khi tổ chức F1 H20 ở Bình Định, về giá trị vật chất, chúng tôi xác định lỗ vì chi phí tổ chức giải quá lớn. Tuy nhiên phía chúng tôi và UBND tỉnh Bình Định xác định: Thứ nhất, tổ chức để quảng bá hình ảnh Bình Định ra thế giới. Về lâu dài, khi Bình Định thu hút du khách, nhà đầu tư bền vững thì chúng tôi – doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn sẽ có lợi ích. Thứ hai, doanh nghiệp chúng tôi xác định tiên phong để tạo động lực cho các doanh nghiệp khác, địa phương khác, biến sự kiện này thành sự kiện tham khảo.


Mời quý độc giải đón xem Phần 2: Du lịch biển Việt Nam đừng trở thành “phiên bản nhái của Thái Lan” được đăng tải vào 9h30 phút ngày 1/12.